Ứng dụng công cụ AI vào thiết kế Chương trình đào tạo và xây dựng Đề cương chi tiết học phần

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, việc ứng dụng các công cụ AI vào thiết kế chương trình đào tạo và xây dựng đề cương chi tiết học phần đang trở thành xu thế tất yếu. Nhằm bắt nhịp với sự chuyển mình này, ngày 20 tháng 5 năm 2025, Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) phối hợp cùng Phòng Truyền thông Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi tập huấn với chủ đề “Công cụ AI cho Chương trình đào tạo và Đề cương chi tiết”.

Buổi tập huấn có sự tham dự và chỉ đạo của PGS.TS Nguyễn Lan Phương, Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Trong phát biểu khai mạc, cô nhấn mạnh vai trò tiên phong của Khoa CNTT trong việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động giảng dạy, đồng thời đánh giá cao tinh thần chủ động, đổi mới và hội nhập của đội ngũ giảng viên.

Cùng với TS. Nguyễn Kim Quốc, Trưởng Khoa CNTT cũng đã phát biểu “Chúng ta không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ. Là một trường đại học định hướng ứng dụng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phải đi đầu trong việc tích hợp công nghệ vào mọi hoạt động đào tạo. Buổi tập huấn hôm nay là minh chứng cho tinh thần cầu thị, năng động và đổi mới của đội ngũ giảng viên Khoa CNTT. Tôi mong rằng, sau buổi tập huấn này, các thầy cô sẽ áp dụng hiệu quả các công cụ AI vào công tác chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định vị thế của nhà trường trong kỷ nguyên số.”

PGS.TS Nguyễn Lan Phương, Phó Hiệu trưởng Nhà trường (Hình ảnh từ Phòng Truyền thông)

Mục tiêu của buổi tập huấn nhằm giúp cán bộ, giảng viên nắm bắt được các xu hướng ứng dụng AI hiện đại, đặc biệt là công cụ Grok – một nền tảng AI có khả năng hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng chương trình đào tạo, đề cương chi tiết, phân tích chuẩn đầu ra, xây dựng ngân hàng câu hỏi, và tự động hóa quá trình kiểm tra đánh giá.

Mở đầu chương trình, TS. Cao Văn Kiên, Phó Trưởng Khoa CNTT, đã trình bày chuyên đề “Ứng dụng AI trong xây dựng đề cương chi tiết học phần”. Trong phần trình bày, TS. Kiên phân tích những khó khăn mà giảng viên thường gặp khi xây dựng đề cương chi tiết như: việc xác định chuẩn đầu ra cụ thể, phân bổ nội dung giảng dạy hợp lý theo tín chỉ, thiết kế hoạt động giảng dạy phù hợp với phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo (PLO – Program Learning Outcomes), Chuẩn đầu ra học phần (CLO – Course Learning Outcomes) hay việc đảm bảo tính liên thông giữa các học phần trong cùng một chương trình. Với sự hỗ trợ của công cụ Grok, giảng viên có thể nhập các thông tin đầu vào như tên học phần, số tín chỉ, mô tả mục tiêu, lĩnh vực chuyên môn… để hệ thống gợi ý một khung đề cương phù hợp. Ngoài ra, Grok còn cho phép đánh giá mức độ tương thích của đề cương với chuẩn đầu ra chương trình, gợi ý phương pháp giảng dạy phù hợp (thuyết trình, thảo luận nhóm, mô phỏng…), đồng thời đưa ra các hình thức đánh giá đa dạng và có cơ sở học thuật.

TS. Cao Văn Kiên, Phó Trưởng Khoa CNTT (Hình ảnh từ Phòng Truyền thông)

Cũng trong buổi tập huấn, ThS. Vương Xuân Chí, Phó Trưởng Khoa CNTT, trình bày nội dung liên quan đến việc thiết kế và rà soát chương trình đào tạo bằng AI. Các chương trình đào tạo ngày nay không chỉ cần đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn phải phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, xu hướng quốc tế, cũng như có tính linh hoạt để cập nhật định kỳ.

Minh họa việc sử dụng Grok để phân tích ma trận chuẩn đầu ra – học phần (PLO – CLO), phát hiện sự mất cân đối về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, gợi ý điều chỉnh nội dung học phần nhằm tăng tính ứng dụng thực tế. Ngoài ra, Grok còn có thể đề xuất các học phần mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn về xu hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT, từ đó hỗ trợ Ban chủ nhiệm khoa hoạch định chiến lược đào tạo dài hạn.

Một điểm nhấn quan trọng trong phần trình bày là cách AI có thể tự động hóa việc liên kết chuẩn đầu ra với nội dung bài giảng và hình thức đánh giá, vốn là công việc tốn nhiều thời gian và công sức của giảng viên. Với Grok, chỉ cần nhập chuẩn đầu ra mong muốn, hệ thống sẽ đề xuất các nội dung giảng dạy phù hợp, kèm theo các dạng bài tập, câu hỏi đánh giá năng lực tương ứng, giúp đảm bảo tính logic, khoa học và minh bạch trong đánh giá kết quả học tập.

ThS. Vương Xuân Chí, Phó Trưởng Khoa CNTT (Hình ảnh từ Phòng truyền thông)
Các giảng viên tham gia tập huấn (Hình ảnh từ Phòng truyền thông)

Phần tiếp theo của buổi tập huấn là hoạt động thực hành theo nhóm. Các giảng viên được chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách một học phần cụ thể trong chương trình đào tạo. Dưới sự hướng dẫn của nhóm chuyên gia CNTT, các giảng viên thực hành nhập dữ liệu vào công cụ Grok, soạn thảo đề cương chi tiết, điều chỉnh các thành phần nội dung, phương pháp và đánh giá. Nhiều giảng viên bày tỏ sự bất ngờ trước khả năng gợi ý nhanh chóng, linh hoạt và “rất có lý” của công cụ AI này.

Buổi tập huấn cũng dành thời gian để thảo luận về các khía cạnh đạo đức và trách nhiệm trong việc sử dụng AI trong giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù AI mang lại nhiều tiện ích, nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người giảng viên trong việc truyền đạt tri thức, định hướng tư duy và khơi dậy cảm hứng học tập. Việc sử dụng AI cần có sự kiểm soát, hướng dẫn và đánh giá từ con người để đảm bảo chất lượng, tính xác thực và phù hợp với triết lý giáo dục của nhà trường.

Buổi tập huấn đã diễn ra thành công, để lại nhiều ấn tượng và giá trị thiết thực cho đội ngũ cán bộ giảng viên. Không chỉ đơn thuần là buổi chia sẻ công cụ mới, sự kiện còn là dịp để toàn thể Khoa CNTT nhìn lại chiến lược chuyển đổi số trong giảng dạy, đồng thời xác định rõ vai trò trung tâm của công nghệ – đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo – trong hành trình xây dựng một nền giáo dục đại học tiên tiến, hiện đại, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn và nhu cầu của xã hội.

Vương Xuân Chí_ K.CNTT