Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trên toàn cầu, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng trở nên cấp thiết và mang tính chiến lược. Nhận thức rõ sứ mệnh đó, Ngày 18/04/2025, Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội thảo Khoa học Đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ ngành Công nghệ Thông tin năm 2025, nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối các nhà khoa học, chuyên gia, nghiên cứu sinh và học viên cao học trong và ngoài nước.
Trải qua 14 năm hình thành và phát triển, Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã không ngừng lớn mạnh, từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Hiện tại, Khoa đang đào tạo hơn 3.500 sinh viên và học viên ở các bậc Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Đặc biệt, từ năm 2022, Khoa vinh dự là đơn vị đầu tiên của Trường được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Công nghệ Thông tin, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của nhà trường.
Việc tổ chức Hội thảo không chỉ là một hoạt động chuyên môn, mà còn thể hiện rõ cam kết của Khoa CNTT trong việc xây dựng môi trường học thuật chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, gắn với thực tiễn và hội nhập quốc tế. Đây cũng là dịp để các giảng viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh có cơ hội tiếp cận những xu hướng mới, mô hình đào tạo tiên tiến, cũng như những định hướng nghiên cứu hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng học thuật và hiệu quả nghiên cứu.
Sứ mệnh của Khoa CNTT là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy khởi nghiệp, năng lực hội nhập, đồng thời gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức đa ngành. Các chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ được xây dựng trên nền tảng kiến thức hiện đại, tiếp cận chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế số và xã hội thông minh.
Chương trình không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực CNTT mà còn chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu độc lập, tư duy phản biện, và kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp, các học viên và nghiên cứu sinh có thể đảm nhiệm vai trò quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ, cũng như trong các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, việc phát triển chương trình Tiến sĩ CNTT tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được xem là một trong những bước đi chiến lược nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, chuyên gia công nghệ trong nước, đồng thời góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu và sáng tạo của Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hội thảo năm 2025 quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực CNTT và giáo dục sau đại học. Các nội dung được trình bày xoay quanh hành trình học tập, nghiên cứu, và phát triển học thuật trong đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành CNTT.
GS.TS. NGND Phan Thị Tươi – Cố vấn cao cấp Khoa CNTT, đã chia sẻ bài tham luận sâu sắc với chủ đề: “Hành trình học tập, nghiên cứu, thực hiện và bảo vệ luận án Tiến sĩ”. Với bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy và quản lý giáo dục, cô đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các nghiên cứu sinh bằng những câu chuyện thực tế, những thách thức và cơ hội trong hành trình nghiên cứu khoa học. Bài trình bày nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện tính kiên trì, sự đam mê khám phá tri thức, và vai trò của người hướng dẫn trong việc định hướng học thuật.
GS.TS Đỗ Phúc, Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM, trình bày tham luận: “Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ biểu diễn trực quan và diễn giải dữ liệu”. Đây là một chủ đề mang tính thời sự, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh, đặc biệt trong bối cảnh AI đang trở thành công cụ thiết yếu trong các lĩnh vực khoa học dữ liệu, thị giác máy tính và phân tích hệ thống. Qua đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới tư duy trong khai thác dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu liên ngành.
PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM, với bài trình bày: “Tổng hợp các khía cạnh quan trọng trong hành trình nghiên cứu sinh”. Bài tham luận cung cấp cái nhìn hệ thống về những yếu tố cần thiết để thành công trong chương trình Tiến sĩ, từ việc chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu, quản lý thời gian, công bố quốc tế, đến kỹ năng học thuật và tâm lý vững vàng. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác nghiên cứu và mở rộng mạng lưới học thuật quốc tế.
ThS. Hoàng Hữu Du, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, giới thiệu chi tiết về “Thông tin tuyển sinh và đào tạo sau đại học ngành CNTT”. Bài trình bày cung cấp đầy đủ thông tin về quy trình xét tuyển, chương trình học, các chính sách hỗ trợ học viên, cũng như lộ trình đào tạo phù hợp với xu thế hiện đại và yêu cầu của thị trường lao động.
TS. Nguyễn Kim Quốc, Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trình bày bài tham luận trọng tâm: “Giới thiệu chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành CNTT tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành”. Ông nêu bật những điểm mới, nổi bật của chương trình đào tạo, bao gồm phương pháp tiếp cận kiến tạo tri thức, học tập qua nghiên cứu, mô hình mentor – mentee, cùng với các định hướng nghiên cứu mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin, Internet vạn vật, và hệ thống thông minh.








Một trong những điểm nhấn quan trọng của hội thảo là lời kêu gọi hợp tác từ Khoa CNTT đến các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. Với mong muốn xây dựng một môi trường học thuật tiên tiến, bền vững và quốc tế hóa, Khoa CNTT rất cần sự đồng hành trong việc:Thiết kế và cập nhật chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ;Hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học; Tham gia giảng dạy các chuyên đề chuyên sâu; Triển khai đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; Kết nối với mạng lưới nghiên cứu và học thuật quốc tế.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa Khoa và các chuyên gia sẽ là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công bố quốc tế và khẳng định vị thế của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong hệ sinh thái giáo dục và nghiên cứu khu vực.
Trong thời gian tới, Khoa CNTT tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo, áp dụng các công nghệ hỗ trợ học tập, xây dựng hệ sinh thái học thuật mở, đồng thời tăng cường các hoạt động nghiên cứu, công bố khoa học và chuyển giao công nghệ. Các chương trình sau đại học sẽ ngày càng chú trọng đến tính ứng dụng, liên ngành và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhằm đào tạo những nhà nghiên cứu và chuyên gia vừa giỏi lý thuyết, vừa vững thực hành.
Đặc biệt, Khoa hướng tới việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, liên kết trong và ngoài nước, tập trung vào những chủ đề trọng điểm như: Trí tuệ nhân tạo và học sâu; An toàn thông tin và bảo mật dữ liệu; Hệ thống thông minh và tự động hóa; Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); Phân tích dữ liệu lớn và hệ thống khuyến nghị.
Hội thảo Khoa học Đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ ngành Công nghệ Thông tin năm 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn chuyên môn và cảm hứng học thuật cho người tham dự. Đây không chỉ là nơi gặp gỡ tri thức, mà còn là bước khởi đầu cho những hợp tác mới, những ý tưởng sáng tạo và những hành trình nghiên cứu đầy hứa hẹn. Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, việc đầu tư cho đào tạo sau đại học trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin là chiến lược tất yếu và mang tầm nhìn dài hạn. Khoa CNTT – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cam kết tiếp tục đồng hành cùng người học, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời đại số hóa.
vxchi- K.CNTT
Hình ảnh : Minh Sang (Xem thêm hình ảnh)