THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGUYỄN TẤT THÀNH
Ngày đăng: 09/03/2023
Về bản chất, tự học là một quá trình. Quá trình này khởi đầu từ mong muốn khai phá một tri thức nào đó cho đến khi được thỏa mãn. Quá trình này lại tiếp tục lập lại với những tri thức mới hơn hoặc tri thức khác.
-
Đặt vấn đề :
Nền giáo dục tại các nước phát triển trên thế giới như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh, Mỹ… đã từ lâu, họ sử dụng quan điểm giáo dục “lấy người học làm trung tâm”. Thực tế đã cho thấy những thành quả to lớn về mặt kinh tế, công nghệ, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội mà những quốc gia này đạt được đã chứng minh cho quan điểm giáo dục tiên tiến, khoa học và hiện đại này.
Nước Việt Nam ta đang trong thời kỳ phát triển, hiện đại hóa đất nước. Những thách thức của quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới. Nhân lực mới phải có khả năng thích ứng, khả năng thu nhận và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tri thức của nhân loại vào điều kiện hoàn cảnh thực tế, tạo ra những sản phẩm có ích, tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Để có nguồn nhân lực trên, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới mục tiêu giáo dục, đổi mới nội dung giáo dục, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng dạy và học nhằm mục đích tạo ra những nhân lực có trình độ tri thức và năng lực cao cho xã hội. Một trong những cách tiếp cận để nâng cao chất lượng dạy và học đại học là rèn luyện năng lực tự học của sinh viên. Năng lực tự học của Sinh viên giữ một vai trò quan trọng trong phương pháp học tập ở trường đại học, tự học giúp cho sinh viên tích lũy kiến thức, phát huy tính tích cực hoạt động trí tuệ của sinh viên
-
Một số lý luận về tự học :
-
Khái niệm tự học
Có rất nhiều quan điểm về tự học, từ những quan điểm cổ đại đến hiện đại; những quan điểm dưới góc nhìn của triết học, tâm lý học, giáo dục học… Tựu trung lại, có thể định nghĩa về tự học như sau:
-
Tự học là một thành phần của việc học tập, là sự nỗ lực của mỗi cá nhân nhằm đạt đến một mục đích nào đó trên con đường chiếm lĩnh kho tàng tri thức của nhân loại. Sự nỗ lực của người học bao gồm cả tư duy, trí tuệ, động cơ tâm lí, thái độ tình cảm
-
Tự học là cách học với sự tự giác, tính tích cực và độc lập cao của từng cá nhân. Kết quả tự học cao hay thấp phụ thuộc vào năng lực của mỗi người
Về bản chất, tự học là một quá trình. Quá trình này khởi đầu từ mong muốn khai phá một tri thức nào đó cho đến khi được thỏa mãn. Quá trình này lại tiếp tục lập lại với những tri thức mới hơn hoặc tri thức khác. Có thể định nghĩa qua trình tự học dưới 2 góc độ như sau:
-
Theo nghĩa “rộng”: tự học là quá trình người học tự quyết định việc lựa chọn mục tiêu học tập, nội dung học tập, cách thức học tập, các hoạt động học tập và các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá thích hợp. Từ đó tổ chức, xây dựng, kiểm tra, kiểm soát tiến trình học tập của cá nhân mình. Nhìn chung, tự học theo nghĩa này được hiểu là quá trình học tập một cách tự giác, chủ động và độc lập.
-
Theo nghĩa “hẹp”: tự học là quá trình người học giải quyết các nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của giảng viên mà không giáp mặt thầy. Đó cũng là quá trình người học học tập một cách tự giác, độc lập nhằm giải quyết những nhiệm vụ học tập mà giảng viên giao cho để về nhà làm.
-
Các hình thức tự học
Hoạt động tự học diễn ra dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm người có những hình thức tự học khác nhau trong những điều kiện, ngữ cảnh khác nhau.
Tổng quát lại, có thể chia các hình thức tự học thành 3 dạng cơ bản:
-
Hình thức 1: Tự học theo hoàn cảnh thực tiễn.
Mỗi cá nhân tự nghiên cứu, tự mày mò, tự tìm hiểu tri thức theo hoàn cảnh cuộc sống mà học gặp phải hoặc theo sở thích, hứng thú hoặc theo những thúc đẩy bởi các yếu tố khách quan. Hình thức tự học này là độc lập, không có tri thức tham khảo và không có sự hướng dẫn của giảng viên.
Hình thức này thường thấy ở các hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học. Kết quả của quá trình nghiên cứu đi đến sự sáng tạo và phát minh ra các tri thức khoa học mới,
Đây chính là đỉnh cao của hoạt động tự học. Hình thức tự học này chỉ có thể thực hiện dựa trên nền tảng tri thức có sẵn của cá nhân, có khát khao, say mê khám phá tri thức mới hoặc có sự ép buộc của hoàn cảnh. Hình thức tự học này, người học không thầy, không sách, không tài liệu mà chỉ có cọ sát với thực tiễn kết hợp với sự tổ chức có hiệu quả hoạt động của bản thân.
-
Hình thức 2: Tự học có tri thức tham khảo nhưng không có giảng viên bên cạnh.
Ở hình thức tự học này có thể diễn ra ở hai dạng:
-
Dạng 1: tự học theo tri thức tham khảo mà không có sự hướng dẫn của thầy: Người học sẽ tự học từ các tài liệu, sách, báo, các kinh nghiệm của bản thân hoặc của người khác để lại. Từ đó sẽ tiếp thu các tri thức cho bản thân, phát triển về tư duy. Tự học hoàn toàn với tri thức tham khảo là mục tiêu mà con người phải đạt đến để xây dựng một xã hội học tập suốt đời.
-
Dạng 2: tự học theo tri thức tham khảo và có thầy ở xa hướng dẫn: Người tự học nhận được sự hỗ từ người thầy ở xa. Người dạy và người học sử dụng các phương tiện trao đổi thông tin để nhận các phản ánh từ người học, giải đáp các thắc mắc, giao bài, làm bài, kiểm tra, đánh giá…
Hình thức tự học này dễ thấy trong các hoạt động làm đồ án, bài tập lớn, bài tập về nhà… của Sinh viên đại học.
-
Hình thức 3: Tự học có tri thức tham khảo và có thầy hướng dẫn trực tiếp.
Ở hình thức tự học này, người tự học và thầy hướng dẫn giáp mặt nhau trong quá trình học. Người thầy sẽ hướng dẫn, giám sát, theo dõi, đánh giá… trực tiếp đối với người học. sau đó sinh viên về nhà tự học dưới sự hướng dẫn gián tiếp của giảng viên.
Đây là hình thức học khá phổ biến trong các trường đại học ở Việt Nam.
-
Vai trò của tự học trong quá trình dạy học
Trong quá trình dạy học, giảng viên luôn giữ một vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo. Trong đó, vai trò đặc biệt không thể thiếu, đó là: tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động học tập của sinh viên.
Thực tế lịch sử giáo dục đã cho thấy: dù giảng viên có kiến thức uyên thâm đến đâu, phương pháp giảng dạy hay đến mấy nhưng người học không chịu đầu tư thời gian, sức lực, trí tuệ vào việc học, không có niềm khao khát với tri thức, không có sự say mê học tập, không có kế hoạch và phương pháp học tập hợp lý, không tự giác tích cực trong học tập... thì việc chất lượng học tập không đạt kết quả cao được.
Vì vậy, có thể khẳng định vai trò của hoạt động tự học luôn giữ một vị trí rất quan trọng trong quá trình học tập của người học. Tự học là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả của hoạt động học tập.
Tự học có các vai trò như sau:
-
Giúp người học hình thành một khối lượng kiến thức nhất định để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình chuyển từ cái chưa biết sang cái sẽ biết theo từng chặng, từng cấp độ của tư duy, nhận thức và kĩ năng
-
Góp phần nâng cao chất lượng học tập, phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo cho người học.
-
Hình thành những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp và chuẩn bị hành trang cho việc học tập suốt đời của con người
-
Thực trạng về chất lượng tự học của sinh viên hiện nay :
-
Nhận thức của Sinh viên về tầm quan trọng và mức độ hiệu quả của tự học.
Tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành, hàng năm, phòng Đảm bảo chất lượng tiến hành khảo sát sinh viên. Trong đó có nội dung Đánh giá tầm quan trọng của tự học đối với Sinh viên và Tự đánh giá mức độ hiệu quả của tự học với kết quả học tập của Sinh viên.
-
Kết quả của nội dung Đánh giá tầm quan trọng của tự học đối với Sinh viên: trung bình có khoảng 70 - 80% Sinh viên cho rằng tự học là rất quan trọng và quan trọng. Phía đối diện, có khoảng 5 – 10% cho rằng không quan trọng (phần còn lại trả lời ở múc trung dung).
-
Kết quả của nội dung Tự đánh giá mức độ hiệu quả của tự học với kết quả học tập của Sinh viên: trung bình có khoảng 50 - 65% Sinh viên cho rằng có hiệu quả và có dưới 5% cho rằng không hiệu quả (phần còn lại ở múc trung dung).
Từ kết quả trên, có thể thấy: đa phần Sinh viên nhận thức được tự học là quan trọng, tự học sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với kết quá học tập của Sinh viên.
Tuy vậy, tỉ lệ Sinh viên mức độ hiệu quả của tự học thấp hơn so với tỉ lệ cho rằng tự học là quan trọng. Điều là có thể lý giải rằng: có một số Sinh viên dù đã nhận thức được tầm quan trọng của tự học nhưng việc thực hiện để đạt kết quả cao lại không hiệu quả.
-
Hiện trạng về các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả tự học của sinh viên:
Dạo qua các nhóm mạng xã hội ẩn danh của Sinh viên trên Facebook (confession group), có thể thấy những nhân tố tác động đến tính hiệu quả trong quá trình học của Sinh viên:
-
Phần lớn phàn nàn về cách (phương pháp) giảng dạy của giảng viên. Họ cho rằng giảng viên dạy chán, khó hiểu, buồn ngủ…
-
Một số khác phàn nàn về nội dung chương trình nặng, quá nhiều thứ không biết dùng gì cho tương lai…
-
Rất it sinh viên cho rằng các điều kiện về cơ sở vật chất của trường ảnh hưởng đến kết quả học tập. Trừ tình huống trường phải dạy online không tình hình dịch Covid là bị than phiền mạng chậm, lag.
-
Cũng trong tình hình phải học online: đa phần Sinh viên ta thán về vấn đề thực hành: chỉ được thực hành trong điều kiện ảo (online) hoặc thực hành “trên giấy”. Họ muốn được thực hành thực tế.
Như vậy, có thể thấy trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, sinh viên ít được Giảng viên định hướng phương pháp tự học khi xa thầy, xa trường; chương trình học bị gò bó nhiều trong khối kiến thức cần truyền đạt mà ít chú trọng khơi dậy năng lực tự học của Sinh viên.
-
Hiện trạng tự học bằng nguồn tri thức từ Thư viện của Sinh viên.
Trung tâm Thư viện của trường thường xuyên thực hiện các thống kê về lượng Sinh viên đến với Thư viện.
-
Đa phần Sinh viên đến Thư viện để nghỉ trưa hoặc online (Thư viện trường dành một sảnh lớn, có máy lạnh, túi ngủ, Wi-Fi… cho Sinh viên).
-
Một số ít (tỉ lệ thường dưới 20%) Sinh viên đến mượn sách tham khảo.
-
Đa số Sinh viên (thường dao động 50 - 65%) Sinh viên đọc tài liệu qua Thư viện online (đọc sách điện tử).
Nhìn vào thực trạng trên, ta thấy Sinh viên tự học bằng cách tham khảo tài liệu tại Thư viện không cao. Có thể lý giải bằng các nguyên nhân:
-
Sinh viên ỷ lại vào bài giảng của Giảng viên, không cần mở rộng thêm.
-
Sinh viên tham khảo tài liệu bằng Google Search. Link kết quả dẫn đến những website khác, không phải Thư viện online của trường.
-
Giảng viên không giới thiệu sách tham khảo hoặc mở rộng bài học.
Thời đại công nghệ và internet hiện nay, đa phần sinh viên tham khảo tài liệu online cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề Sinh viên còn thiếu là những kỹ năng tìm kiếm tài liệu, chọn lọc tài liệu, đánh giá tính phù hợp của tài liệu.
-
Hiện trạng về các hành vi tự học của Sinh viên hiện nay:
Hàng năm, phòng Công tác Sinh viên của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đã thực hiện khảo sát Sinh viên các vấn đề liên quan đến tự học. Dưới đây là tổng hợp vài kết quả chủ yếu:
-
Khảo sát về hình thức tự học mà Sinh viên thường dùng:
Trong khảo sát về hình thức tự học mà Sinh viên thường sử dụng.
-
Đa số Sinh viên cho rằng học với sự hướng dẫn trực tiếp của Giảng viên chiếm phần lớn thời gian học của họ (tỷ lệ lựa chọn này trên 40%). Nói cách khác, phần lớn thời gian Sinh viên dùng cho việc học là đến lớp.
-
Một tỷ lệ khiêm tốn (dưới 10%) Sinh viên chọn tự học mà không cần sự hướng dẫn trực tiếp của Giảng viên.
-
Phần còn lại là các lựa chọn của hình thức tự học theo nhóm (khoảng 15%), tự học qua tài liệu (khoảng 20%), tự tìm hiểu theo sở thích (khoảng 10%) và các hình thức tự học khác.
Kết quả khảo sát trên cho thấy:
-
Đa phần Sinh viên hiện nay học theo hình thức truyền thống, dưới sự kềm cặp của Giảng viên.
-
Tùy vậy, đã có một số lượng Sinh viên hiện nay chủ động trong tự học của mình, học theo sở thích cá nhân, học không có sự hướng dẫn trực tiếp của Giảng viên.
-
Khảo sát về mục đích tự học của Sinh viên
Theo tiêu chí khảo sát này:
-
Sinh viên tự học với mục đích nâng cao, mở rộng kiến thức (khoảng 35%), chiếm tỷ trọng cao nhất trong khảo sát.
-
Số sinh viên tự học nhằm mục đích học lại kiến thức chưa hiểu và ôn lại cho chắc kiến thức chiếm tỉ lệ tương đương nhau (25%, 26%).
-
Một số ít các bạn sinh viên tự học để đào sâu kiến thức (chiếm 13%).và phần còn lại là nhằm mục đích khác (1%).
Phần đông Sinh viên đã chủ động trong việc tìm hiểu thu thập kiến thức mới. Tuy vậy, vẫn còn số đông sinh viên không có đủ thời gian hoặc thiếu tập trung tiếp thu kiến thức bài học ngay khi trên giảng đường.
-
Khảo sát về lựa chọn địa điểm tự học của sinh viên
Kết quả khảo sát của tiêu chí nảy:
-
Có trên 60% sinh viên cho rằng địa điểm thường chọn cho tự học là ở nhà.
-
Có khoảng 20% sinh viên lựa chọn Thư viện là nơi tự học.
-
Các địa điểm khác như nhà bạn học, nơi làm việc, công viên chiếm tỉ lệ khá nhỏ, chỉ khoảng dưới 10%.
-
Các địa điểm như: quán coffee, trà sữa, … chiếm tỷ lệ rất thấp (dưới 3%)
Như vậy, việc tự học của đa số sinh viên chủ yếu là ở nhà hay ở thư viện.
-
Khảo sát về vấn đề tự học theo qua quá trình học đại học của Sinh viên.
Tiêu chí này tổng hợp từ kết quả khảo sát vấn đề tự học của các sinh viên mới và cũ (theo năm nhập học).
-
Về việc dành thời gian cho tự học: các sinh viên năm nhất dành thời gian cho tự học là thấp nhất. mức thời gian này tăng dần và đạt cao nhất ở sinh viên năm 4 (năm cuối – thực tập và làm khóa luận tốt nghiệp).
-
Về đánh giá tính hiệu quả của tự học với bản thân: cũng tương tự như trên, sinh viên đánh giá hiệu quả tự học tăng dần theo thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
-
Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tự học của sinh viên hiện nay
-
Tăng cường kiểm tra và đánh giá chất lượng tự học của sinh viên
Phương pháp học tập từ thời phổ thông vẫn chưa thể thoát ly khỏi suy nghĩ và hành vi của Sinh viên đại học. Trong điều kiện được tự do thoải mái, không còn áp lực của gia đình, đa số sinh viên chưa ý thức được vai trò tự giác của bản thân trong học tập và rèn luyện, chưa quen với môi trường giáo dục đại học.
Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng tự học của Sinh viên, nhất là những sinh viên mới, cần phải:
-
Nhà trường tổ chức những chương trình huấn luyện kỹ năng học đại học cho sinh viên mới.
-
Nhà trường kết hợp với giảng viên xây dựng và định hướng kế hoạch tự học cho sinh viên.
-
Trường và Khoa chuyên môn thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho Sinh viên. Chủ đề các cuộc thi liên quan đến vận dụng chuyên môn vào thực tiễn, nghiên cứu khoa học sinh viên, kỹ năng sống…
-
Thường xuyên tổ chức đánh giá chất lượng tự học của sinh viên trong quá trình môn học. Chẳng hạn như: giảng viên giao bài tập về nhà và kiểm tra vào buổi học kế, giao chủ đề cho sinh viên nghiên cứu và thuyết trình…
Kiểm tra, thi cử, đánh giá là những phương pháp có tính ép buộc sinh viên phải tự học. Quá trình này sẽ giúp sinh viên rèn luyện năng lực tự học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
-
Xây dựng và thực hiện kế hoạch tự học của sinh viên:
Tự học là một quá trình không quá khó nếu như bản thân có ý chí, nhu cầu tự học kèm theo kỹ năng lập kế hoạch hiệu quả.
Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên xây dựng kế hoạch tự học với các tiêu chí sau:
-
Mục tiêu của kế hoạch phải có tính định hướng cao:
-
Mỗi mục tiêu phải rõ ràng, nhất quán.
-
Mục tiêu đặt ra phải phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.
-
Mục tiêu của kế hoạch ngắn hạn phải đáp ứng cho mục tiêu trung hạn, mục tiêu trung hạn phải đáp ứng cho mục tiêu dài hàn.
-
Chọn mục tiêu tự học đúng trọng tâm:
-
Từ mục tiêu trọng tâm, tiến hành đào sâu, tìm hiểu cốt lõi của nội dung.
-
Tránh học lan man, học dàn trải, học kiến thức không cần thiết.
-
Lập ra thời gian biểu phù hợp với từng phần phải học:
-
Xác định thời gian học để tập trung dứt điểm được từng phần.
-
Liên tục điều chỉnh thời gian cho phù hợp với mục tiêu kế hoạch.
Khi lập kế hoạch tự học, sinh viên cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
-
Đảm bảo thời gian dành ra tương xứng với lượng kiến thức, mức độ khó và quan trọng của môn học. Thực hiện tốt việc này bằng cách:
-
Đầu tiên, hãy tự ước lượng khoảng thời gian mà mình sẽ học xong một nội dung nào đó. Ví dụ như: học chương này sẽ mất 1 ngày, học bài kia sẽ là 2 ngày, thực hiện đồ án này phải 2 tháng…
-
Bắt đầu thực hiện với phần dễ trước, đi từ cơ bản đến phức tạp. Cũng có thể học những phần mình hứng thú trước cũng được.
-
Nên ấn định một khung thời gian làm việc cụ thể. Ví dụ như: khoảng thời gian tiếp thu và tập trung tốt nhất thường là 45 phút, sau đó nghỉ ngơi.
-
Xác định thời điểm học trong ngày: học sáng tốt cho các môn xã hội, học đầu giờ chiều sẽ hiệu quả đối với những môn cần tư duy logic cao, học tối tốt cho những bộ môn nhẹ nhàng.
-
Sau khi hoàn thành mục tiêu của một ngày, có thể tự thưởng cho mình vài trận game, làm những điều mình thích thú, hay đơn giản là ngủ thật sâu.
-
Sắp xếp hợp lý giữa các hình thức tự học, môn học, giờ học với giờ nghỉ ngơi.
-
Có thể vừa lên thư viện vừa học nhóm, hay tự học ở nhà cùng những người bạn online…
-
Học khoảng 25 đến 35 phút thì nên nghỉ ngơi một lúc, rời khỏi bàn học, đi dạo xung quanh và giải trí nhẹ nhàng. Không nên giải trí bằng lướt Facebook, nó dễ khiến sa đà vào cuộc vui thay vì tiếp tục học tập.
-
Thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra như biết cách độc lập suy nghĩ, tự ôn tập hay kiểm tra.
-
Rèn luyện kỹ năng sắp xếp thời gian hợp lý trong tự học
Đa số các bạn sinh viên vẫn chưa biết cách sắp xếp thời gian sao cho phù hợp với việc tự học tập và công việc nhà trong những khoảng thời gian cụ thể.
Bằng cách dành thời gian để sắp xếp các ưu tiên của mình, sinh viên sẽ dễ dàng cân bằng cuộc sống giữa tự học, công việc nhà và học tập trên lớp.
Dưới đây là minh họa thời gian biểu để có một ngày sinh hoạt, học tập hiệu quả:
-
Từ 5 giờ đến 7 giờ: Khởi động ngày mới.
-
Từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút: Thời gian học tập trên lớp.
-
Từ 12 giờ đến 14 giờ: Thời gian nghỉ trưa.
-
Từ 17 giờ 30 phút đến 20 giờ: Thời gian nghỉ ngơi sinh hoạt.
-
Từ 20 giờ đến 23 giờ: Thời gian tự học.
-
Phối hợp nhiều hình thức học trong tự học của sinh viên:
Khuyến khích sinh viên học khắp mọi nơi, áp dụng nhiều hình thức tự học. Học tập trong nhà trường hay ngoài nhà trường, học theo bất kể hình thức nào đều đóng vai trò quan trọng như nhau, thúc đẩy khả năng tự học của các sinh viên.
-
Tự học tại thư viện
Thư viện giúp mở rộng và nâng cao kĩ năng tự học, kĩ năng tiếp cận và tra cứu thông tin chuẩn xác phục vụ tốt trong quá trình học tập thường xuyên của sinh viên trước bối cảnh hiện đại. Sinh viên có thể học trên thư viện bằng nhiều cách. Ví dụ như:
-
Học tập nghiên cứu một mình.
-
Học tập nghiên cứu theo nhóm.
-
Học qua tài liệu tham khảo tại thư viện (sách in hoặc eBook).
-
Học online, học qua các tài liệu tìm kiếm trên mạng.
Điều kiện để thực hiện:
-
Sắp xếp được quỹ thời gian lên thư viện sao cho hợp lí.
-
Các tài liệu trên thư viện phải phù hợp với mục đích nghiên cứu của mình.
-
Tự học bằng hình thức học online
Học trực tuyến đòi hỏi người học phải thường xuyên tiếp nhận, xử lí và lưu trữ các kiến thức trên internet vì thế bạn cũng cần có phương pháp học tập phù hợp.
Nên đọc nội dung bài mới trước khi học, ghi chú những thắc mắc sau đó mới xem video bài giảng hay có thể xem video bài giảng nhiều lần, dừng lại những đoạn bạn còn vướng mắc và ghi chú lại để trao đổi với các bạn học chung và giảng viên.
-
Nâng cao kỹ năng tự học bằng việc trải nghiệm thực tế
Vai trò của Giảng viên là quan trọng khi thực hiện điều này:
-
Giảng viên tạo các bài tập, các bài luận, đồ án, bài thi… hướng tới thực tiễn, có vận dụng vào thực tiễn. Các yêu cầu như vậy sẽ tạo hứng thứ cho sinh viên, giúp sinh viên thấy rõ những ứng dụng của kiến thức vào thực tế. Từ đó, sinh viên sẽ có động lực để tự học nhằm giải quyết được các yêu cầu của giảng viên.
-
Giảng viên kết nối với các doanh nghiệp, các đối tác bên ngoài để thành lập các dự án thực tế. Chia sẻ công việc của dự án cho Sinh viên tiếp cận. Học thật, làm thật là động cơ thúc đẩy sinh viên tự học.
-
Giảng viên tạo ra các hoàn cảnh thực cho sinh viên tự học. Chẳng hạn như:
-
Dẫn sinh viên Anh ngữ đi chơi ở phố Tây (Quận 1, TPHCM).
-
Dẫn sinh viên Công nghệ thông tin tham quan các Trung tâm dữ liệu, Công viên phần mềm, Khu công nghệ cao…
-
Cho Sinh viên Cơ khí tham quan hoặc phụ việc tại các Xưởng cơ khí…
-
Tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề với chủ trì là những doanh nhân, những kỹ sư, những người đang làm việc thực tế trong lãnh vực học tập chuyên môn của Sinh viên.
Kết luận :
Bài viết này phản ánh thực trạng về chất lượng tự học của Sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, dựa trên dữ liệu khảo sát sinh viên từ Phòng Đảm bảo chất lượng của Trường. Tất nhiên, nó không phản ánh đầy đủ về thực trạng tự học của sinh viên toàn quốc, nhưng điều này cũng đã giúp tôi có cơ sở để đề xuất một số giải pháp cho việc nâng cao chất lượng tự học của sinh viên.
Nguyễn Văn Thành . KCNTT
Hội thảo Khoa học: Đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin Năm 2024 - 07/09/2024
Công nghệ AI: đầy triển vọng và thách thức năm 2024 - 16/08/2024
Chung kết Cuộc thi Khoa học dữ liệu Khoa Công nghệ thông tin năm 2024 - 09/08/2024
Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại điện tử - 17/07/2024
Chung kết cuộc thi Trí tuệ nhân tạo Khoa Công nghệ thông tin ngày 12/07/2024 - 12/07/2024
Sự kỳ diệu của Toán học trong thiên nhiên- 01/07/2024
Lễ khánh thành Hệ thống phòng Thực nghiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành- 26/05/2024
Bế mạc giải bóng đá Nam Khoa CNTT năm 2024, trường ĐH Nguyễn Tất Thành: thành công tốt đẹp.- 25/05/2024
Chung kết Cuộc thi Kỹ thuật phần mềm Khoa CNTT- 2024- 17/05/2024
22/11/2022
Hệ thống MegaSchool và MegaTest thông báo tuyển dụng Thực tập sinh
13/07/2022
TMA Solutions - Cơ hội việc làm dành cho sinh viên Khoa CNTT
04/07/2022
10/06/2022
T UYỂN DỤNG NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH IT– TEXGAMEX-VN
16/05/2022
Thông tin tuyển dụng công ty PORTLOGICS - PLC
15/04/2022
Ngân hàng Á Châu (ACB) tuyển Chuyên viên Dịch vụ IT – Hồ Chí Minh